Chuyển
đổi số trong giai đoạn hiện nay có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát
triển của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam quá trình chuyển đổi số cũng đang diễn ra
khá nhanh chóng. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đưa ra nhiều chương trình, mục
tiêu, chủ trương, chính sách, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo… nhằm đẩy mạnh quá
trình chuyển đổi số như: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định
hướng đến năm 2030 được phê duyệt bởi Thủ tướng Chính phủ vào ngày 03/6/2020
theo Quyết định số 749/QĐ-TTg. Chương trình này đặt ra mục tiêu kép là vừa phát
triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công
nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày
27-9-2019 của Bộ Chính trị: Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách chủ
động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu
cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày
22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định này phê duyệt lấy ngày 10 tháng
10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia; Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ
tướng Chính phủ: Quyết định về “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn
2021-2030, tầm nhìn 2050” ngày 01/10/2021, xác định tăng trưởng xanh thúc đẩy
cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh
tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, định hướng đầu tư
vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số; Chiến lược quốc gia về phát triển kinh
tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: được phê duyệt theo
Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2022; Đặc biệt là Nghị quyết số
57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị: Nghị quyết về đột phá phát triển
khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết đã
đề ra các quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu chính và các nhiệm vụ, giải pháp để đột
phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Chuyển
đổi số là yếu tố then chốt để Việt Nam phát triển toàn diện và bền vững. Nó
giúp cho việc nâng cao năng suất lao động, tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới,
tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống người
dân thông qua các dịch vụ trực tuyến, và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước. Chuyển
đổi số giúp chính phủ sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi cách thức hoạt
động, hướng tới một chính phủ số hoạt động hiệu quả hơn. Chính phủ số cho phép
cung cấp dịch những dịch vụ công trực tuyến, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp
cận nhanh chóng và dễ dàng hơn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, tiết
kiệm thời gian và chi phí. Mục tiêu đến năm 2045 sẽ cung cấp 80% dịch vụ công
trực tuyến ở mức độ 4. Việc số hóa các quy trình và công khai thông tin giúp
tăng cường tính minh bạch trong các hoạt động của chính phủ, nó cung cấp dữ liệu
và thông tin thời gian thực, hỗ trợ chính phủ đưa ra các quyết định nhanh
chóng, chính xác và hiệu quả hơn. Việc số hóa sẽ giúp giảm thiểu các văn bản giấy
tờ, nâng cao chất lượng bảo mật, lưu trữ thông tin, tiết kiệm được thời gian và
chi phí hoạt động.

Đối với người dân việc chuyển đổi số cũng đem lại rất nhiều
lợi ích, có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công và các dịch vụ công ích khách
ở mọi lúc, mọi nơi thông qua các nền tảng trực tuyến giảm bớt thời gian và công
sức đi lại. Chuyển đổi số xóa nhòa các khoảng cách địa lý, tạo ra cơ hội bình đẳng
hơn cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế, giải trí trực
tuyến và các dịch vụ an sinh xã hội khác, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hồ sơ bệnh án điện tử và các ứng dụng hỗ trợ sức khỏe giúp người dân được chăm
sóc sức khỏe kịp thời và hiệu quả hơn, theo dõi, cập nhật và nắm bắt được tình
trạng sức khỏe của bản thân và các thành viên trong gia đình một cách thường
xuyên, liên tục. Các nền tảng học trực
tuyến và tài liệu số hóa tạo điều kiện cho việc học tập mọi lúc mọi nơi, thuận
tiện, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu cá nhân. Người dân có thể thực hiện nhiều
giao dịch trực tuyến, thương mại điện tử, mua sắm online, thanh toán hóa đơn điện
tử, thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian công
sức và chi phí. Các hoạt động, thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến
trên môi trường số sẽ tăng cường tính công khai, minh bạch, người dân có thể dễ
dàng truy cập thông tin về chính sách, dịch vụ công và các thông tin hữu ích
khác, tạo điều kiện để người dân tham gia vào quá trình theo dõi và giám sát hoạt
động của cơ quan nhà nước.

Không chỉ đối với chính phủ và người dân, thực hiện
chuyển đổi số sẽ mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp.
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả hoạt động và năng suất lao động
thông qua việc tự động hóa các quy trình, giảm thiểu sự can thiệp thủ công, giảm
sai sót và tăng tốc độ xử lý công việc. Tối ưu hóa chi phí sản xuất kinh doanh
thông qua việc áp dụng công nghệ số vào các quy trình tự động hóa, tiết kiệm thời
gian, nhân công và chi phí vận hành. Cung cấp dữ liệu và thông tin chính xác, kịp
thời, giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả hơn và đưa ra các quyết định đúng đắn
dựa trên nguồn dữ liệu liệu khổng lồ đã được số hóa và cập nhật thường xuyên.
Việc mở rộng thị trường và tiếp cận khách hàng của các doanh nghiệp sẽ trở lên
dễ dàng hơn nhiều. Các kênh trực tuyến và nền tảng số giúp doanh nghiệp tiếp cận
được nhiều khách hàng hơn, nhanh chóng hơn, các dịch vụ được cá nhân hóa, sự
tương tác giữa doanh nghiệp và khách hàng cũng trở lên dễ dàng hơn, tạo cơ hội
để mở rộng thị trường và tăng doanh thu. Chuyển đổi số tạo môi trường thúc đẩy
các doanh nghiệp phải đổi mới, sáng tạo tăng cường khả năng cạnh tranh của
mình. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp trở lên linh hoạt hơn tăng khả năng
thích ứng với những thay đổi, biến động của thị trường và các yếu tố bên ngoài.
Chuyển
đổi số đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho nhà nước, doanh nghiệp và mỗi
người dân. Đây là một quá trình quan trọng và hết sức cần thiết cho sự phát triển
của Việt Nam, nó đòi hỏi cần có sự quyết tâm chung tay vào cuộc của cả hệ thống
chính trị, doanh nghiệp và mỗi người dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức để
có thể hiện thực hóa mục tiêu hoàn thành chuyển đổi số quốc gia. Quyết tâm xây
dựng một quốc gia số hóa thịnh vượng – hùng cường.
Phạm Toàn