DI TÍCH CẤP TỈNH CHÙA, ĐỀN VÀ PHỦ LÀNG PHÚ MỸ XÃ KHÁNH VÂN HUYỆN YÊN KHÁNH TỈNH NINH BÌNH
Xã
Khánh Vân huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình là một vùng đất được biết đến với truyền
thống Văn hóa Lịch sử từ lâu đời. Về đây du khách sẽ được tham quan và tìm hiểu
nhiều công trình tín ngưỡng tôn giáo độc đáo, biết thêm về những phong tục tập
quán, những lễ hội truyền thống của người dân nơi đây. Một trong những điểm
tham quan độc đáo mà du khách không thể bỏ qua khi đến đây là di tích Chùa, Đền
và Phủ làng Phú Mỹ. Đây là di tích kiến trúc cổ mang phong cách kiến trúc thời
Nguyễn với những chi tiết hoa văn trạm khắc hết sức tinh sảo. Hiện ở đây vẫn
còn lưu giữ được 20 sắc phong của triều hậu Lê và triều Nguyễn, 03 bia đá cổ
cùng những bức đại tự bằng đá, bằng đồng có giá trị lớn về mặt văn hóa lịch sử.
Năm 2013 di tích đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình công nhận xếp hạng di
tích cấp tỉnh. Di tích nằm trên địa bàn xóm 6 Xuân Tiến, xã Khánh Vân, Huyện
Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Di tích với khuôn viên có diện tích 3878m2 nằm ở
phía Tây của Làng Phú Mỹ. Từ xưa đến nay di tích vẫn có tên gọi là Chùa, Đền và
Phủ làng Phú Mỹ. Chùa có tên là “Cảnh Linh Tự”, theo những người dân địa phương
chùa đã được xây dựng cách đây hàng trăm năm. Chùa gồm có tòa Thượng điện và
tòa Tiền Đường được xây dựng theo kiểu chữ đinh với hệ thống cột, kèo, rui mè
làm bằng gỗ lim, lợp ngói đỏ, ngói mũi hài. Hệ thống tượng thờ trong chùa khá
phong phú đa dạng. Tại tầng thứ nhất có ba pho tượng Tam thế phật tượng trưng
cho Quá khứ - Hiện tại – Tương lai. Tầng thứ hai thờ Phật Di Đà, hai bên là tượng
Văn Thù và Phổ Hiền. Tầng thứ ba thờ Phật Thích Ca, khu Tiền đường còn có các
ban thờ Thánh Hiền, Quan giám sát, và Ban thờ Đức Ông. Phía sau chùa có nhà thờ
tổ và khu lăng mộ của các vị sư trụ trì Thích Thanh Chư Định và Thích Thanh Miện.

Theo văn bia còn lưu giữ ở
Đền thì Đền còn có một tên khác đó là miếu Tam Tôn hay Đền Đức thánh Đinh. Đền
xây theo lối kiến trúc kiểu chữ đinh với tòa Tiền đường và Hậu cung. Nơi đây thờ
Đại Tư Đồ Đinh Điền, ông có tên thường gọi là Đinh Trào, sinh năm giáp thân –
924, quê ở làng Đại Hữu, Phủ Trường Yên, Châu Đại Hoàng nay là xã Gia Phương,
huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ông cùng với Trịnh Tú, Lưu Cơ, Nguyễn Bặc là các
vị Tướng có công phò tá Vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân lập nên nhà nước phong kiến
trung ương tập quyền đầu tiên của nước ta. Ông mất vào ngày 27 tháng 4 năm canh
Thìn (980). Ngoài ra Đền còn thờ Thượng Trân trưởng công chúa là vợ của Đinh Điền.
Bà mất vào ngày 07 tháng 5 năm Canh Thìn và Kiều Mộc Thiền sư người có công lớn
với gia đình Đinh Điền.

Phủ Mẫu có tên gọi khác
là phủ Sùng Tiên. Phủ được xây dựng theo kiến trúc kiểu tiền Nhất hậu đinh gồm 3 tòa: Tiền Đường,
Trung đường và Hậu đường. Phủ thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh một trong tứ bất tử của
dân tộc. Thờ Quỳnh Hoa công chúa, Quế Hoa công chúa là tướng của hai Bà Trưng
có công đánh giặc giúp nước được sắc phong nhị vị tiên nương thủy công chúa.
Ngoài ra phủ còn thờ tam vị thánh mẫu: Mẫu Thiên, Mẫu thủy, Mãu Thượng Ngàn và
ông Hoàng Ba người có công phù dân chống lũ lụt.

Trong thời kỳ kháng
chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc mỹ thì di tích chính là nơi hội họp, che dấu
cán bộ, bộ đội, dân quân du kích để đánh đồn bốt Đò Lá, là nơi cất giấu lương
thực, thực phẩm của cách mạng. Ngày nay Di tích Chùa, Đền và Phủ làng Phú Mỹ có
vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân nơi đây, đó là
nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của dân làng, là cầu nối gắn kết
con em ở những miền xa quê hương với quê cha đất tổ nơi mà họ đã sinh ra và lớn
lên. Về thăm di tích vào các ngày 14 tháng chạp, ngày mùng 1-3/3, ngày 27/4 âm
lịch…hàng năm du khách có thể tham dự các lễ hội truyền thống của địa phương nhằm
tưởng nhớ công ơn của Đức thánh Đinh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi
tốt, nhân dân được an cư lạc nghiệp…chắc chắn khi tham gia các hoạt động lễ hội
nơi đây sẽ để lại trong lòng du khách những ấn tượng tốt đẹp không thể nào
quên.